(ĐSPL) - Thực tế, thời gian vừa qua có rất nhiều dự án, dù chưa giải phóng xong mặt bằng, chủ dự án đã quảng cáo rầm rộ trên mạng, vẽ ra viễn cảnh của những "siêu dự án" rồi huy động vốn trái phép từ người dân, nhà đầu tư mà không hề thực hiện dự án.
Có những dự án đã huy động 70-80% giá trị căn hộ, thế nhưng, khi thị trường bất động sản (BĐS) xuống dốc, đã lộ diện hàng loạt doanh nghiệp BĐS đang chiếm dụng vốn của khách hàng...
Trước khi Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga tra tay vào còng số 8, đã có nhiều ông chủ BĐS bị bắt vì đưa ra các dự án "bánh vẽ", lừa khách hàng thu tiền tỉ. Khi chiêu lừa đổ bể, doanh nghiệp rơi vào phá sản, các siêu lừa phải ra hầu toà, dự án rơi vào cảnh "treo vô thời hạn"... khiến khách hàng chi tiền tỉ đầu tư chỉ còn biết ngẩn ngơ vì tiền.
Phóng to
Chỉ đến khi tra tay vào còng số 8, các đại gia BĐS mới lộ chân tướng... "siêu lừa".Hàng loạt "cá mập"... sa lưới
Xin chưa vội điểm sự vụ của bà Châu Thị Thu Nga đang làm nóng trong dư luận suốt thời gian qua, PV thực hiện loạt phóng sự này xin ngược lại dòng thời gian, cũng vào thời điểm này của nửa năm trước, khi ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng đã bị bắt ngày 17/5/2013 về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ông Long cũng là Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar (406 Trần Khát Chân, Hà Nội). Tập đoàn này thời điểm 2009-2011 được biết đến với nhiều dự án BĐS lớn như Megastar Xuân Đỉnh, dự án chung cư 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), dự án cao ốc Hesco Văn Quán (quận Hà Đông) và dự án KCN Yên Mỹ 2 (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, trong số các dự án này, chỉ duy nhất dự án Megastar Xuân Đỉnh đã được chủ đầu tư hoàn thành xong phần xây thô. Còn các dự án khác, cơ quan chức năng đã "tuýt còi", chủ dự án thì tự cho mình quyền tạm dừng vô thời hạn, dù đã thu rất nhiều tiền của các nhà đầu tư.
Tương tự như vậy, trước đó, ngày 26/9/2012, cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã bắt giữ Trần Ứng Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà và các đối tượng có liên quan trong vụ lợi dụng dự án giãn dân phố cổ Hà Nội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu từ cơ quan công an, công ty Hồng Hà cố tình "ém" thông tin về chủ trương của quận Hoàn Kiếm, tiếp tục sử dụng những văn bản cũ để lừa dối khách hàng, ký hợp đồng huy động vốn. Việc huy động vốn trái pháp luật này kéo dài từ tháng 4/2011 đến hết năm 2011. Ước tính, đã có gần 200 người nộp tiền góp vốn với tổng số tiền khoảng gần 200 tỉ đồng.
Quay trở lại với vụ của nguyên Đại biểu Quốc hội, bà Nga đã huy động khoảng 400 tỉ đồng của 800 nhà đầu tư tại dự án B5 Cầu Diễn và dự án "bánh vẽ" HH2. Theo những dữ liệu mà cơ quan công an thu thập được, sau khi cầm tiền, bà Nga đem sử dụng vào các mục đích khác, thay vì đầu tư vào dự án. Cũng liên quan tới dự án B5 Cầu Diễn, trước đó vào tháng 9/2013, ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội đã huy động từ khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp hơn 100 tỉ đồng. Vào thời điểm năm 2009-2010, với vai trò là Tổng giám đốc, ông Tuẫn đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Tập đoàn đầu tư nhà đất Housing để cùng thực hiện dự án B5 Cầu Diễn.
Một nguồn thông tin mà PV báo Đời sống và Pháp luật có được liên quan đến dự án Petro Vietnam Landmark, cơ quan An ninh điều tra bắt giam Hà Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Việt Nam (VN Land) và ông Hoàng Ngọc Sáu (48 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL). Trước đó, theo phản ánh của đại diện các cư dân, họ đã đóng tiền theo đúng tiến độ và đến nay đã đóng tới hơn 80% giá trị hợp đồng. Thế nhưng, thời gian giao nhà đã quá hạn tới 2 năm, trong khi đó, tiến độ dự án tại khu đất thực hiện dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc hoàn thành xây thô và đang dừng mọi hoạt động.
Trong một diễn biến khác, tại Vũng Tàu, C48, Bộ Công an đã thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Ngô Thị Minh, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Địa ốc An Khang. Theo kết quả điều tra ban đầu, với chức danh Chủ tịch HĐQT công ty, bà Ngô Thị Minh Phượng đã chỉ đạo nhân viên, cấp dưới huy động và sử dụng vốn trái phép, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng mua đất. Số tiền vốn công ty An Khang huy động lên đến 390 tỉ đồng.
Ngẩn ngơ nhìn tiền "bay" theo... dự án
Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tiếp cận được rất nhiều người dân phải "mỏi cổ" chờ dự án. Đáng nói, có nhiều người đã nhẹ dạ nộp cho chủ đầu tư nhiều tỉ đồng, thế nhưng cái nhận được của họ sau nhiều năm chờ đợi chỉ là mảnh đất "thẳng cánh cò bay", có hơn cũng chỉ là vài cọc sắt hoen gỉ đang "trơ xương cùng tuế nguyệt". Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng, là dù những "thượng đế" này biết mình đã "ăn quả lừa" nhưng vẫn không muốn làm đơn tố cáo "ông chủ" dự án. Bởi với họ, còn người là còn hy vọng, nếu tố cáo, lỡ "kẻ lừa" bị bắt, lấy ai để đòi?! Sự thật này đang xảy ra với rất nhiều người và rất nhiều dự án, nhưng lạ là chẳng ai dám kêu.
Còn đối với những "đại gia" BĐS một thời hoành tráng vì sao họ phải "ngã ngựa"? Có rất nhiều cách lý giải khác nhau, nào cuộc sống xa hoa, nào chạy theo những ảo mộng không tưởng,... trong khi, một sự thật ít ai biết đến là sự dễ dãi đến khó hiểu của cơ chế chính sách và niềm tin người thái quá của các nhà đầu tư. Cất công tìm hiểu, chúng tôi mới ngộ ra một sự thật, theo các quy định từ năm 2008, các chủ dự án chỉ cần chứng minh có vốn tự có 20% tổng giá trị đầu tư là coi như có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Khi đó, đủ các thành phần, muốn khẳng định mình, muốn làm giàu nhanh phải lao vào thị trường BĐS bằng mọi giá.
Thế nhưng, khi thị trường BĐS bắt đầu đóng băng, các ngân hàng thương mại ngừng cho vay, các dự án dở dang không tiếp tục triển khai được, lãi ngân hàng phải trả, tiền chi phí thường xuyên cho các dự án dở dang vẫn phải chi,... đẩy các doanh nghiệp BĐS vào tình trạng lỗ nặng, không những mất hết số tiền vốn ít ỏi của mình mà thậm chí còn "bay" cả số tiền đi vay, huy động được. Họ đã đi vay, huy động cho dự án này lại để chuẩn bị đầu tư cho dự án khác, chi cho mục đích khác, cuối cùng nợ vẫn hoàn nợ, nhiều chủ đầu tư đã rơi vào vòng lao lý.
Chưa cơ quan chức năng nào đưa ra, hay nói đúng hơn là không thể đưa ra một con số chính xác rằng, đã có bao nhiêu người dân "đổ tiền" vào các dự án BĐS "bánh vẽ", nhưng chỉ nhìn con số 400 tỉ đồng của các nhà đầu tư "không cánh mà bay" trong dự án nhà ở B5 Cầu Diễn của nguyên Đại biểu Quốc hội Thu Nga, cũng có thể ước lượng đến một con số khổng lồ cho hàng chục, thậm chí là vài trăm dự án mà chủ đầu tư đã thu tiền của khách hàng nhưng chậm triển khai hoặc không thể triển khai.
Tiền thì đã đóng, người dân chỉ còn biết trông chờ vào "ông chủ" đang "ôm tiền" của họ với một hy vọng ngày mai sẽ... "tươi sáng". Còn với những chủ đầu tư đã trót "vẽ" ra dự án, nhận tiền của khách hàng mà không thể triển khai được dự án, giờ chỉ còn biết khất lần và lẩn trốn. Thậm chí, có những kẻ còn "nín thở" chờ đợi đến lượt mình tra tay vào còng số 8 khi "nội lực" đã... tanh bành!
1.000 dự án đang "bất động"
Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 4.015 dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã được quy hoạch và cấp phép đầu tư với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỉ đồng và tổng diện tích đất theo quy hoạch là 102.228 ha. Trong đó, qua kết quả rà soát cho thấy, có 81% (3.258 dự án) đang tiếp tục triển khai với tổng diện tích đất khoảng 81.565 ha và tổng diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 29.545 ha. Như vậy, có tới 19%, tức khoảng gần 1.000 dự án đang "bất động". Chi tiết hơn, trong số 455 dự án cần phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp Hà Nội chiếm phần lớn với 285 dự án. Báo cáo của 47/63 địa phương cũng cho thấy, có 287 dự án tạm dừng triển khai với tổng diện tích đất khoảng 14.819 ha (14,5%) và tổng diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 4.395 ha (12,9%).
Kỳ 2: "Thượng đế" chết lặng sau những dự án... "chết yểu"
TRẦN QUYẾT - ĐINH TIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét